Ăn lựu khi mang thai có an toàn không?

Lựu là loại quả khá quen thuộc với hầu hết mọi người và được ưa thích bởi những hạt mọng nước với vị chua chua ngọt ngọt đặc trưng. Lựu ngoài ưu điểm nhiều nước còn có thành phần dinh dưỡng đa dạng.

Bà bầu ăn lựu với mức độ có kiểm soát không những có thể thỏa mãn cơn thèm ngọt mà còn bổ sung dinh dưỡng nhất định cho mẹ, đồng thời cũng đem lại lợi ích cho sự phát triển của em bé.

Giá trị dinh dưỡng của quả lựu

Theo ước tính, 100g thịt quả lựu có chứa khoảng 83 calo. Bên cạnh đó, mẹ bầu tiêu thụ quả lựu đúng cách còn hỗ trợ cơ thể bổ sung một lượng nước tương đối cao và hàm lượng dưỡng chất quan trọng khác.

- Nước: 77,9 g

- Chất đạm: 1,67 g

- Carbohydrate: 18,7 g

- Chất xơ: 4 g

- Đường: 13,7 g

- Canxi: 10 mg

- Sắt: 0,3 mg

- Vitamin C: 10,2 mg

Lợi ích của quả lựu đối với sức khỏe mẹ bầu và thai nhi

Phòng ngừa thiếu máu

Phụ nữ mang thai với nhiều thay đổi nội tiết tố và nhu cầu dinh dưỡng tăng cao nên dễ bị tình trạng thiếu máu do thiếu sắt. Lựu ngoài hàm lượng sắt tự nhiên còn có nhiều vitamin C, đây là loại vitamin cần thiết hỗ trợ quá trình tổng hợp chất sắt từ thực phẩm.

Ăn lựu hợp lý trong thai kỳ giúp mẹ bầu giảm nguy cơ thiếu sắt, từ đó tăng cường hiệu quả phòng ngừa các biến chứng do thiếu máu như suy nhược, sinh non, sảy thai… Vitamin C cũng có tác dụng chống oxy hóa mạnh mẽ, giảm bệnh tật khi mang thai.

Nâng cao hệ miễn dịch

Các gốc tự do về cơ bản là cần được thải độc ra bên ngoài nhưng một số có thể tích tụ trong cơ thể, tương tác với tế bào khỏe mạnh và gây tổn thương cho sức khỏe của mẹ bầu, đồng thời cũng ảnh hưởng đến nhau thai bảo vệ em bé.

Bổ sung lựu vào khẩu phần ăn lành mạnh giúp bà bầu hấp thụ vitamin C tự nhiên cùng các chất chống oxy hóa khác. Các dưỡng chất này hỗ trợ tăng cường sức khỏe hệ miễn dịch, chống lại tác hại của các gốc tự do.

Cải thiện sức khỏe hệ tiêu hóa

Chất xơ tự nhiên trong quả lựu có tác dụng thúc đẩy quá trình trao đổi chất, kích thích nhu động ruột, giảm nguy cơ táo bón và các vấn đề rối loạn tiêu hóa khác. Bà bầu ăn lựu không những giảm triệu chứng ốm nghén mà còn tốt cho hệ tiêu hóa tổng thể.

Giảm chứng chuột rút khi mang thai

Kali trong quả lựu có hiệu quả giảm đau tức thì để cải thiện chứng chuột rút ở bà bầu. Mẹ có thể ăn lựu như một loại trái cây tráng miệng hoặc chế biến thành nước ép hay các món salad rau quả để thưởng thức.

Tốt cho trí não của thai nhi

Folate là dưỡng chất quan trọng để hình thành não bộ của thai nhi, ngăn ngừa dị tật bẩm sinh. Ăn lựu không những giúp mẹ bầu bổ sung dinh dưỡng mà còn cung cấp nhu cầu folate cho sự phát triển hệ thần kinh của bé.

Rủi ro tiềm ẩn và một số điều cần lưu ý khi ăn lựu trong thai kỳ

Mặc dù quả lựu đem lại một số lợi ích nhất định cho bà bầu lẫn thai nhi nhưng nếu ăn quá nhiều có thể dẫn đến tác dụng phụ không mong muốn. Vì vậy, mẹ bầu cần tiêu thụ quả lựu vừa phải, kết hợp với đa dạng thực phẩm để đảm bảo cân bằng dinh dưỡng.

Calo trong quả lựu khá cao nên người vốn đang tăng cân quá mức cần hạn chế. Hàm lượng đường ở lựu cũng cần thận trọng với người bị tiểu đường thai kỳ hoặc bị vấn đề răng miệng, chất ngọt có thể ảnh hưởng đến men răng của bạn.

Sản phẩm chiết xuất từ quả lựu chưa tách vỏ có thể gây ra các cơn co thắt, tăng nguy cơ sinh non hoặc sảy thai ở bà bầu. Các chuyên gia khuyến cáo, phụ nữ mang thai không nên tự ý mua bất kỳ sản phẩm nào có chiết xuất từ quả lựu khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Chọn mua những quả lựu còn tươi, cầm thấy nặng và chắc tay. Nước ép lựu ngoài hàng quán có thể quá ngọt và không đảm bảo vệ sinh, bạn nên tự chế biến nước ép tại nhà để thưởng thức món ngon từ quả lựu an toàn và hiệu quả.

Hy vọng bài viết sẽ giúp bà bầu ăn lựu một cách thông minh, đem lại nhiều lợi ích cho mẹ và bé, đảm bảo một thai kỳ nhẹ nhàng và khỏe mạnh.

Thiên Khuê (Theo Parent)